bvphoihaiduong@gmail.com Hotline 0964.911.616 - 0982.155.858

Hoạt động ngoại viện

 Kết quả hoạt động ngoại viện trong 5 năm (từ 2018 - 2022) (Chi tiết theo tệp đính kèm)

Mạng lưới phòng chống lao được duy trì ổn định từ tuyến tỉnh đến tuyến y tế cơ sở, 100% dân số được Chương trình chống lao bảo vệ, các hoạt động phòng chống lao được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được kết quả tích cực.

Hoạt động sàng lọc, khám, phát hiện, quản lý bệnh nhân lao

Theo Bộ Y tế, để chấm dứt bệnh lao, vấn đề quan trọng và cốt lõi hiện nay là phải phát hiện sớm bệnh lao. Chính vì vậy việc tăng cường sàng lọc lao chủ động góp phần phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn. Nếu được phát hiện sớm bệnh và được điều trị kịp thời thì sẽ có trên 90% người mắc bệnh lao sẽ khỏi bệnh, trên 75% người mắc lao kháng thuốc sẽ khỏi bệnh. Việc phòng chống bệnh lao cần phải được phát hiện sớm, kịp thời, điều trị sớm, thậm chí cách ly tương tự như COVID-19 mới đảm bảo được việc chấm dứt bệnh lao tại cồng đồng.

Trước kia việc phát hiện nguồn lây tại cộng đồng thường xuyên theo phương pháp thụ động là chủ yếu, nhiều năm trở lại đây được sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình chống lao Quốc gia, nên mỗi năm cán bộ phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phổi Hải Dương phối hợp với các khoa/phòng trong Bệnh viện và các địa phương tổ chức  tuyên truyền, khám chủ động phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn sớm cho 100% các xã/phường của từ 02-04 huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh và ở những khu vực đặc biệt như Trại giam, Trại tạm giam, Cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội, công nhân khu công nghiệp nên đã phát hiện sớm được hàng nghìn bệnh nhân lao thường và nhiều bệnh nhân kháng thuốc đưa vào quản lý điều trị sớm, giúp làm hạn chế nguồn lây ra cộng đồng. Hàng năm toàn tỉnh phát hiện và đưa vào quản lý điều trị từ 1000-1400 bệnh nhân lao các thể trong đó có trên 50% bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn lao trong đờm, tỷ lệ phát hiện lao mới mắc các thể khoảng 41-68/100.000 dân. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên việc triển khai các hoạt động bị hạn chế và dẫn đến việc thu nhận bệnh nhân lao các năm cũng ảnh hưởng nhiều.

Tất cả các bệnh nhân mới phát hiện đều cần được đưa vào điều trị bằng hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát, tỷ lệ điều trị thành công cao trên 90%, tỷ lệ tái phát, thất bại, tử vong thấp làm giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Hoạt động xét nghiệm phát hiện bệnh nhân lao

Toàn tỉnh hiện nay có 19 điểm kính xét nghiệm lao đặt tại 16 Tổ chống lao, 01 điểm kính tại BVĐK tỉnh Hải Dương, 01 điểm kính tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và 01 điểm kính đặt tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Các điểm kính này thực hiện kỹ thuật soi đờm trực tiếp tìm AFB. Ngoài các điểm kính trên, còn có 1 số điểm kính đặt tại các phòng khám tư nhân như tại PKĐK An Bình, PKĐK Thanh Bình, PKĐK Tập Hà, PKĐK 256….

Từ năm 2018 đến năm 2022, mỗi năm chương trình chống lao tỉnh thực hiện xét nghiệm soi đờm trực tiếp cho khoảng 10.000 đến 14.000 người, tuy nhiên chất lượng xét nghiệm đờm trực tiếp bằng nhuộm Ziehl neelsen ở các đơn vị chống lao tuyến huyện cũng như các đơn vị y tế công, tư còn nhiều hạn chế. Kết quả phát hiện người bệnh có kết quả dương tính thấp, nhiều đơn vị có tỷ lệ rất thấp (40 đến 50 người nghi lao được xét nghiệm mới phát hiện ra 01 người mắc bệnh lao có bằng chứng vi khuẩn học trong khi theo khuyến cáo của CTCLQG ít nhất dưới 20 người bệnh nghi lao được xét nghiệm đã có thể tìm thấy 01 người có bằng chứng vi khuẩn học). Tại tuyến tỉnh, nhiều kỹ thuật xét nghiệm hiện đại được áp dụng như kỹ thuật nuôi cấy tìm vi khuẩn lao trên môi trường lỏng, kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (GeneXpert) chẩn đoán lao, lao kháng thuốc cho kết quả nhanh và chính xác. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, trung bình mỗi năm thực hiện được khoảng 2800 xét nghiệm GeneXpert để chẩn đoán lao, lao kháng thuốc, đây là một xét nghiệm mới mang tính đột phá trong công tác chẩn đoán bởi độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao trên 90%.

Hoạt động phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc

Trong những năm qua, hoạt động quản lý lao kháng thuốc tiếp tục được tăng cường, về cơ bản chưa đảm bảo được chỉ tiêu thu nhận điều trị và tỷ lệ điều trị thành công. Từ năm 2018 đến năm 2022, Chương trình Chống lao tỉnh đã cho mở rộng xét nghiệm đến nhiều đối tượng vì vậy phát hiện và thu dung điều trị cho 165 người bệnh mắc lao kháng đơn thuốc, kháng nhiều thuốc, kháng đa thuốc, tiền siêu và siêu kháng thuốc (trung bình thu dung khoảng 30 người bệnh/năm); lượng bệnh nhân lao kháng thuốc như vậy là tương đối cao, đây là nguồn lây rất nguy hiểm cho cộng đồng nếu không được phát hiện và đưa vào quản lý điều trị sớm. Với nguồn lây lao kháng thuốc nguy hiểm như vậy cần có sự giám sát, khoanh vùng kịp thời, rà soát tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để đưa vào diện giám sát theo dõi phát hiện sớm.

Cán bộ Phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện đã liên tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tuyến dưới và giám sát trực tiếp tại nhà bệnh nhân đang điều trị (do thời gian điều trị kéo dài, nhiều tác dụng không mong muốn.....), để hạn chế tối đa bệnh nhân lao kháng thuốc bỏ trị.

Hoạt động lao Trẻ em

Hoạt động lao trẻ em là hoạt động khó, vì trẻ khó hợp tác do đó Bệnh viện thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Nhi và khoa nhi 12 Trung tâm y tế tuyến huyện/thị xã/thành phố cũng triển khai sàng lọc lao cho trẻ em có tiếp xúc gần với nguồn lây lao phổi, nhưng phát hiện số bệnh nhân lao trẻ em còn rất khiêm tốn, đồng thời sàng lọc được nhiều trẻ em tiếp xúc nguồn lây đủ tiêu chuẩn để điều trị dự phòng, nhưng số trẻ đồng ý điều trị dự phòng lao còn hạn chế.

Việc quản lý điều trị trẻ em mắc lao cũng còn gặp nhiều khó khăn do vẫn còn sự mặc cảm lớn từ người thân của trẻ, nên nhiều trẻ khi được phát hiện mắc lao lại không được điều trị hoặc dấu bệnh điều trị bác sĩ tư.

Hoạt động chống lao trong trại giam, cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội

Mặc dù tại Trại giam Hoàng Tiến, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội đã thành lập được Tổ chống lao từ nhiều năm nay và được triển khai hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Tuy nhiên hàng năm Bệnh viện Phổi tổ chức triển khai sàng lọc chủ động vẫn phát hiện thêm được hàng chục bệnh nhân lao mới (năm 2022: khám sàng lọc 5061 người và đã phát hiện ra 33 bệnh nhân lao, trong đó có 4 bệnh nhân lao kháng thuốc) đưa vào quản lý điều trị sớm. Bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức khám phát hiện tại Trại tạm giam Kim Chi.

Hoạt động phối hợp y tế công – tư

Hoạt động phối hợp y tế công - tư trong phòng chống lao được triển khai từ năm 2005 theo mô hình 1 (chuyển người nghi lao đến khám lao tại các cơ sở chống lao) là chủ yếu, hằng năm thu nhận điều trị cho hàng chục bệnh nhân lao. Đến nay hoạt động này vẫn được duy trì tuy nhiên do thiếu nhân lực, thiếu cơ chế chính sách nên một số các cơ sở y tế tư nhân sự phối hợp còn hạn chế, sự đóng góp vào hoạt động phát hiện bệnh nhân lao còn chưa được như mong muốn.

Các hoạt động chủ yếu triển khai tại các cơ sở y tế công như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện trường Đại học kỹ thuật y, Bệnh viện Quân Y 7, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền và cơ sở y tế tư nhân như Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và một số ít phòng khám lớn trên địa bàn thành phố, còn các phòng khám tuyến huyện và các cơ sở y tế tư nhân ít hoặc không tham gia việc chuyển gửi bệnh nhân nghi ngờ mắc lao đến các đơn vị chống lao trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động phối hợp chương trình chống lao và chương trình phòng chống HIV/AIDS

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chương trình phòng chống lao và Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Bộ Y tế. Phối hợp, duy trì và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho hoạt động của Tổ chống lao tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.

Hàng năm đều có sự phối hợp tốt các hoạt động lao/HIV, tổ chức giao ban lao/HIV định kỳ và chủ động thực hiện sàng lọc lao cho người có HIV được thực hiện tại các phòng OPC, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện mỗi khi người nhiễm HIV đến khám và nhận thuốc ARV.

Bệnh nhân lao tại các đơn vị chống lao trên địa bàn toàn tỉnh được sàng lọc HIV nhằm phát hiện giảm gánh nặng của HIV đối với lao và ngược lại. Tỷ lệ bệnh nhân lao được tư vấn và xét nghiệm HIV cao luôn duy trì ở mức cao (đạt trên 90%), số bệnh nhân lao/HIV được điều trị ARV đều đạt tỷ lệ trên 95% và 100% người nhiễm HIV mới mà sàng lọc không mắc lao sẽ được tư vấn uống thuốc dự phòng lao.

Hoạt động giám sát – quản lý thông tin chương trình Chống lao

+ Hoạt động giám sát:

Phòng Chỉ đạo chương trình xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát tới tất cả các Tổ chống lao, có cán bộ thường trực giám sát trực tiếp phân công theo từng huyện/thị xã/thành phố.

Phòng chỉ đạo chương trình phân công cử cán bộ tăng cường ở tuyến tỉnh xuống trực tiếp giám sát và hỗ trợ cho hoạt động phòng chống lao tại 12 huyện/thành phố/thị xã.

Định mức chi thấp nên cán bộ của phòng tham gia giám sát còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

+ Hoạt động công nghệ thông tin – quản lý dữ liệu

Phòng thường xuyên kiểm tra, đánh giá, theo dõi chất lượng nhập ca bệnh lao trên phần mềm Vitimes của Chương trình chống lao Quốc gia, của các tổ chống lao trên địa bàn toàn tỉnh và tại các khoa lao trong đơn vị.

Hỗ trợ cầm tay chỉ việc cho cán bộ chống lao của các đơn vị hoạt động chưa hiệu quả.

Hỗ trợ kỹ thuật từ xa cho tuyến dưới về sử dụng phần mềm Vitimes, cách xử lý các lỗi kỹ thuật qua điện thoại, zalo, email...

Hoạt động Truyền thông – Giáo dục sức khỏe phòng chống lao

Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ và huy động xã hội luôn được quan tâm. Chương trình phòng chống Lao tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức truyền thông về bệnh lao trên các phương tiện thông tin đại chúng như (Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh…) Ngoài ra, còn đưa tin trên website của Bệnh viện Phổi, thực hiện truyền thông qua Zalo, Facebook; phối hợp với Hội nông dân tỉnh triển khai truyền thông về bệnh lao cho các hội viên của hội để triển khai xuống cộng đồng

Đặc biệt nhân ngày Thế giới Phòng, chống lao 24/3 hằng năm, Chương trình chống lao tỉnh đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị chống lao trên địa bàn thực hiện truyền thông về bệnh lao. Tại tuyến tỉnh ngoài việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Bệnh viện Phổi còn tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm (tùy thuộc vào tình hình diễn biến cụ thể trong giai đoạn dịch bệnh COVID – 19 để có những hình thức truyền thông cho phù hợp), treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, tổ chức các buổi hội thảo nhằm huy động sự ủng hộ của lãnh đạo chính quyền các cấp cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong công tác phòng chống lao. Là thành viên sáng lập và kêu gọi vận động ủng hộ, triển khai quỹ “Người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB”. Quỹ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn mua thẻ BHYT, hỗ trợ tiền khám chữa bệnh, quản lý người bệnh trong 5 năm qua.

Hoạt động đào tạo, tập huấn

Hoạt động đào tạo, tập huấn được Bệnh viện Phổi – Dự án chống lao tỉnh đặc biệt quan tâm vì vừa giúp cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia chương trình có điều kiện tiếp cận và cập nhật những kiến thức mới đồng thời là dịp để cán bộ các tuyến nắm vững hơn các quy trình triển khai các hoạt động phòng chống lao tại cộng đồng cũng như ở các cơ sở y tế. Do kinh phí cho hoạt động đào tạo, tập huấn không có nên hoạt động này chủ yếu lồng ghép vào các đợt khám sàng lọc và kiểm giám sát của cán bộ phòng thông qua phương pháp cầm tay chỉ việc.

Tuy vậy năm 2021, 2022 Bệnh viện đã tổ chức tập huấn, đào tạo tập trung và từ xa, cấp chứng chỉ đào tạo cho 461 nhân viên y tế về khám, phát hiện, chẩn đoán, quản lý, điều trị bệnh lao theo Thông tư 36/2021/TT-BYT của Bộ Y tế cho tất cả các đơn vị y tế trong toàn tỉnh, đảm báo đủ điều kiện khám chữa bệnh lao trên địa bàn toàn tỉnh.

Từng bước cần phải nâng cao chất lượng cán bộ chống lao các tuyến thông qua hoạt động đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của chuyên môn.

Hoạt động cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị

Đảm bảo việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Từ ngày 01/7/2022 do khó khăn về kinh phí từ các nguồn tài trợ, việc cung ứng thuốc điều trị cho người bệnh lao có thẻ bảo hiểm y tế bằng nguồn quỹ của bảo hiểm y tế.

Tuy vậy Chương trình chống lao tỉnh vẫn phải đảm bảo việc phân phối thuốc, vật tư, hóa chất cho các đơn vị không có khám chữa bệnh BHYT (Trại giam, Trại tạm giam, Cơ sở cai nghiện và Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội), cho tuyến cơ sở (với bệnh lao kháng thuốc và điều trị dự phòng lao) và bệnh nhân lao không có thẻ BHYT theo đúng hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia, đồng thời hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở về việc dự trù, hợp đồng và cung ứng thuốc lao theo nguồn bảo hiểm y tế.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động cung ứng, phân phối thuốc, hóa chất, vật tư trang thiết bị tại các đơn vị chống lao, đảm bảo theo đúng các quy định của chương trình và của nhà nước.

Hỗ trợ các đơn vị chống lao tuyến dưới xây dựng, lập dự trù và mua sắm đấu thầu thuốc lao để điều trị kịp thời cho người bệnh lao.

Đảm bảo công tác bảo quản thuốc, vật tư, hóa chất và hoạt động duy tu, bảo dưỡng kho thuốc, trang thiết bị.

Hoạt động nghiên cứu khoa học

Hằng năm phòng đều có cán bộ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về bệnh lao luôn đảm bảo chất lượng. Nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao được áp dụng để cải tiến hỗ trợ cho chuyên môn và cho nhà quản lý.

Ngoài ra còn hỗ trợ và tham gia các đề tài nghiên cứu về bệnh lao cho tuyến trên và tuyến dưới thực hiện.

 

Ths Vũ Đức Thành


Đang xử lý
0964.911.616