bvphoihaiduong@gmail.com Hotline 0964.911.616 - 0982.155.858

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

  • Bệnh viện Phổi Hải Dương

    13-07-2022 | 00:00

    Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới dẫn đến gánh nặng kinh tế xã hội ngày càng gia tăng.

    BPTNMT là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và hạn chế sự tiến triển. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây BPTNMT. Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.

    Cơ chế hình thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

    1. Một số yếu tố định hướng chẩn đoán bệnh:

    Bệnh hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi.

    Tiền sử: hút thuốc lá, thuốc lào (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động). Ô nhiễm môi trường trong và ngoài nhà: khói bếp, khói, chất đốt, bụi nghề nghiệp (bụi hữu cơ, vô cơ), hơi, khí độc. Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn như lao phổi, hen phế quản hoặc viêm phế quản mạn,..là nguyên nhân dẫn đến BPTNMT.

    Triệu chứng thường gặp ở giai đoạn sớm là ho, khạc đờm kéo dài. Lúc đầu có thể chỉ có ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp), ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng. Ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.

    Sau đó bệnh nhân xuất hiện khó thở: Khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân “phải gắng sức để thở”, “khó thở, nặng ngực”, “cảm giác thiếu không khí, hụt hơi” hoặc “thở hổn hển”, thở khò khè. Khó thở tăng lên khi gắng sức hoặc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ (khói thuốc lá, thuốc lào, khói bụi,..), đặc biệt khi có nhiễm trùng đường hô hấp.

    Các triệu chứng ho khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian.

    Khi có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ trên, việc đến cơ sở y tế khám và thực hiện đo chức năng thông khí là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa chẩn đoán bệnh

    2. Tại cơ sở y tế, chẩn đoán xác định BPTNMT dựa vào các tiêu chuẩn sau:

    Đo chức năng thông khí phổi: kết quả đo CNTK phổi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở của bệnh nhân BPTNMT.

    Kỹ thuật đo chức năng hô hấp được thực hiện tại bệnh viện Phổi Hải Dương.

    X-quang phổi: có thể thấy được hình ảnh phổi tắc nghẽn, đồng thời có thể phát hiện các bệnh đồng mắc như viêm phổi, u phổi, lao phổi...

    Cắt lớp vi tính ngực lớp độ phân giải cao (HRCT): Giúp phát hiện tình trạng giãn phế nang, bóng kén khí, phát hiện sớm ung thư phổi, giãn phế quản,..đồng mắc với BPTNMT hoặc đánh giá bệnh nhân trước khi chỉ định can thiệp.

    Điện tâm đồ: BPTNMT ở giai đoạn muộn có thể dẫn đến các biến chứng về tim mạch như bệnh tâm phế mạn làm dày tim, suy tim,..và các biến chứng khác. Qua điện tâm đồ, siêu âm tim có thể phát hiện sớm các biến chứng này.

    3. Việc điều trị và phòng ngừa BPTNMT phụ thuộc rất lớn vào việc thay đổi thói quen sinh hoạt, loại bỏ yếu tố nguy cơ:

    Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như: khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc...

    Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào

    Tiêm vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp: tiêm vắc xin cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm, tiêm vắc xin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần

    Phục hồi chức năng hô hấp:

    Một số các biện pháp khác: Vệ sinh mũi họng thường xuyên, giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt, phát hiện và điều trị các bệnh đồng mắc.

    4. Các thuốc điều trị BPTNMT:

    Thuốc giãn phế quản được coi là nền tảng trong điều trị BPTNMT, liều lượng và đường dùng của các thuốc này tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn bệnh.

    Thở oxy dài hạn ở nhà: Trong giai đoạn nặng, việc thở oxy dài hạn ở nhà làm giảm khó thở, giảm mệt cơ hô hấp, giảm tăng áp động mạch phổi từ đó giảm tỷ lệ biến chứng tâm phế mạn.

    Trong các đợt cấp của BPTNMT: việc điều trị tại cơ sở y tế là lựa chọn tốt nhất. Trong giai đoạn này bệnh nhân cần được điều trị tích cực, kiểm soát tình trạng co thắt phế quản, độ bão hòa oxy máu và các biến chứng nặng có thể xảy ra.

    5. Việc theo dõi và quản lý đối với bệnh nhân BPTNMT có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát bệnh:

    Các bệnh nhân BPTNMT cần được tái khám định kỳ 1 tháng 1 lần và cần đánh giá phân loại lại mức độ nặng để điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân được theo dõi các chỉ số sau:

    Theo dõi chức năng hô hấp.

    Làm thêm một số thăm dò để phát hiện, điều trị các biến chứng và các bệnh đồng mắc phối hợp (bệnh tim mạch, ung thư phổi, loãng xương, đái tháo đường...).

    Đánh giá khả năng hoạt động, hợp tác với thầy thuốc và tái hoà nhập cộng đồng.

    Giáo dục bệnh nhân về kỹ thuật sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc, tuân thủ điều trị, tránh tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và áp dụng các phương pháp dự phòng đợt cấp.

    Mỗi lần khám lại, cần yêu cầu bệnh nhân thực hiện thao tác sử dụng dụng cụ hít và kiểm tra hướng dẫn lại cho bệnh nhân kỹ thuật sử dụng các dụng cụ phân phổi thuốc.

    Hướng dẫn tư vấn bệnh nhân cai thuốc lá, ngừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. - Hướng dẫn, kiểm tra việc dùng thuốc của bệnh nhân theo đơn của các cơ sở y tế tuyến tỉnh.

    Ths.Bs Đặng Thanh Xuân - Trưởng khoa Khám bệnh

Đã tặng
0
0
0
0
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng sao, tác giả sẽ thêm động lực viết bài báo khác hay hơn, cảm ơn bạn.

Bình luận


Đang xử lý
0964.911.616